1. Nhiều triển vọng cho ngành bao bì nhựa trong thời kỳ bình thường mới.
Cần biết rằng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bao bì nhựa tại khu vực châu Á cách đây 3 năm đã ước đạt 1.103 tỷ sản phẩm, tương đương với khoảng 46% tổng nhu cầu toàn thế giới. Đến năm 2022, nhu cầu tiêu thụ bao bì nhựa của châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 4% và đạt mức 1.288 tỷ sản phẩm.
Tại thị trường Việt Nam, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 từ năm 2020 và vẫn còn diễn biến phức tạp trong quý I/2021, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng chi tiêu của hộ gia đình cho hầu hết các mảng sản phẩm đều được điều chỉnh giảm ngoại trừ mảng thực phẩm và đồ uống không cồn.
Mặc dù bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất nhưng giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế. Các sản phẩm bao bì với nhiều hình ảnh, màu sắc, đặc trưng riêng không chỉ giúp bảo quản, tạo sự tiện lợi cho sản phẩm mà còn có thể tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm của khách hàng. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Tập đoàn SPG Media – trị giá ngành công nghiệp bao bì toàn cầu, đạt khoảng 424 tỷ USD. Trong đó ngành bao bì châu Á chiếm 27%, châu Âu 30% và Bắc Mỹ là 28%.
Thống kê sơ bộ cho thấy bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30-50%, điện – điện tử chiếm 5-10%, hóa dược phẩm từ 5-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm của Việt Nam là tác nhân thúc đẩy lĩnh vực Bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38-39%). Năm 2019, tổng lượng tiêu thụ của ngành giấy đạt 3.818 triệu tấn, trong đó sản xuất giấy làm bao bì chiếm khoảng trên 80%, giá trị xuất khẩu tăng mạnh đạt 641.000 tấn. Theo báo cáo hoạt động của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh thu ngành nhựa đạt 17,58 tỷ USD, vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó sản phẩm túi nhựa được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và đạt 894 triệu USD.
Nêu ra một số dữ liệu để thấy thị trường bao bì nhựa ở trong nước và xuất khẩu vẫn có “cửa sáng” dù đối mặt không ít thách thức từ dịch Covid-19. Đây là một trong những lý do để khối ngoại nhắm đến việc gia tăng thâu tóm thị phần ở thị trường này, xem như “mồi ngon” béo bở.
Còn theo báo cáo của Smithers Pira ngành bao bì mềm sẽ tăng trưởng 3,3% mỗi năm để đạt 269 tỷ USD vào năm 2024. Sự tăng trưởng này chủ yếu do tiến bộ công nghệ làm cho lĩnh vực bao bì mềm phù hợp với nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn trước đây và đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng (do bao bì mềm có nhiều ưu điểm hơn so với bao bì cứng nhờ các yếu tố: thuận tiện hơn để mở, dễ dàng hơn để lưu trữ, thời gian sử dụng kéo dài, vận chuyển tốt hơn, phù hợp hơn cho ngành thương mại điện tử…).
Cạnh đó, bao bì mềm cũng được đánh giá phát triển mạnh hơn nhờ sự tiến bộ nguyên vật liệu. Trong nhiều năm, hầu hết các vật liệu mềm dùng cho đóng gói là polyvinyl clorua, có hại cho môi trường, nay hầu hết các bao bì mềm đều sử dụng vật liệu làm bằng polyethylene (PE), polyethylene terephthalate (PET) hoặc polypropylene (PP), có độ bền cao khi sử dụng và an toàn với thực phẩm, không gây nhiễm độc và nhiễm khuẩn cho thực phẩm.
Theo Vietnam Report, đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành nghề và đời sống xã hội trên toàn thế giới, tác động hỗn hợp, cả tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp bao bì với sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, và bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp có xu hướng giảm.
Xét trên khía cạnh chất liệu làm bao bì, đại dịch Covid-19 cũng có tác động trái chiều với hai chất liệu chính là giấy và nhựa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bao bì nhựa và bao bì giấy đều gặp những khó khăn chung dưới tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu từ khảo sát doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì của Vietnam Report đã chỉ ra 4 khó khăn, đó là: Đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh (83,33%); Khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới (83,33%); Không triển khai được kế hoạch bán hàng (66,67%); Đảm bảo an toàn nơi làm việc (50%).